Cần cơ chế đặc thù mới cho Thành phố Hồ Chí Minh

10:25 - 04/08/2022

    Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng tại Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 54/2017/QH14”. Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 30 tháng 7 năm 2022 do Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp cùng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức.
    Chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam; PGS.TS Nguyễn văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM.  Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Phương Thảo - Nguyên Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phan Công Khanh - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong cả nước và trên địa bàn; cơ quan truyền thông và phóng viên các báo, đài trung ương và địa phương.
    Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát cho biết, hội thảo đã nhận được 67 bài tham luận cung cấp các luận cứ khoa học về xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển TPHCM trong thời gian tới. Cùng với đó là chia sẻ những kinh nghiệm trong và ngoài nước, đưa ra những hàm ý chính sách xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển TPHCM gắn với tiến trình xây dựng chính quyền đô thị, đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các nội dung khác liên quan đến sự phát triển của TPHCM.
    PGS.TS Trần Mai Ước, Chánh Văn phòng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đã tham dự và có tham luận quan trọng về “Sự cần thiết xây dựng một nghị quyết mới thay thế nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh”. Theo đó, đối với sự cần thiết xây dựng một nghị quyết mới thay thế nghị quyết số 54/2017/QH14, PGS.TS Trần Mai Ước nhấn mạnh: Mục đích của nghị quyết 54 là tạo điều kiện cho TPHCM có thêm nguồn lực để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, do nghị quyết còn nhiều nội dung mang tính nguyên tắc, chưa phân cấp triệt để, nên trong quá trình triển khai thực hiện với các nội dung có liên quan đến: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức lại nảy sinh nhiều vấn đề cần được quan tâm để nghiên cứu giải quyết, tháo gỡ, tạo được động lực cho TPHCM phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn theo phương châm “vì cả nước, cùng cả nước”.
    Chánh Văn phòng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản làm cho việc triển khai thực hiện nghị quyết 54 không đạt kỳ vọng như mong muốn là do; Trong quá trình thực hiện nghị quyết thì có 2 năm TPHCM chịu ảnh hưởng và tác động bởi nặng nề bởi đại dịch Covid-19; TPHCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, có những điều kiện và đặc điểm khác với bối cảnh chung của phần đông các tỉnh thành khác. Một Nghị quyết sẽ có tính pháp lý và thời gian thực hiện hạn chế hơn so với luật. Do vậy, “vòng đời” của nghị quyết cũng ảnh hưởng và tác động rất lớn đến việc triển khai thực hiện trong thực tiễn; Việc thí điểm một chính sách đặc thù, có tính chất mới, tại trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước là TPHCM, thực tế là khó tránh khỏi nhiều vấn đề cần nên rút kinh nghiệm, đúc kết thành bài học thực tiễn để trong tương lai có thể xây dựng một cơ chế đồng bộ và hiệu quả hơn; Việc xây dựng cơ chế đặc thù cho TPHCM đặt ra trong bối cảnh TPHCM đang hoàn thiện về thể chế nhưng tốc độ hoàn thiện còn chậm hơn so với yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố.  
    PGS.TS Trần Mai Ước cũng đã chỉ ra các giải pháp để phát huy cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong thời gian sắp tới. Từ thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển, đổi mới và hội nhập, TPHCM cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, thay đổi, xây dựng mới Nghị quyết 54 nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp TPHCM không những khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò của đô thị đặc biệt, mà còn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn vừa qua với quyết tâm xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, nơi có chất lượng sống tốt, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.
    Hội thảo lần này đã gợi mở những vấn đề vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý luận, giúp có thêm các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để nhận thức, đổi mới tư duy về việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển TPHCM trong thời gian tới.
                                                                                                               Văn phòng - HUB
                                                         Một số hình ảnh liên quan

PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tham gia góp ý tại hội thảo.
 Ảnh: Thu Hường
Ảnh: Lê Minh Tân
Ảnh: Kiều Anh Dũng
Ảnh: Bành Tuấn An
Ảnh: Dũng Phạm
Ảnh: Nguyễn Phụng







File đính kèm

Tên file Download