Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ”. Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 27/9/2023 do Học viện Chính trị khu vực II tổ chức. Nhận lời mời của Học viện Chính trị khu vực II và của ban tổ chức hội thảo, PGS, TS. Trần Mai Ước - Chánh Văn phòng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tham dự và báo cáo tại hội thảo.
Hội thảo có sựu tham dự của PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; cùng toàn thể nhà khoa học là giảng viên Khoa Triết học, Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa Nhà nước và Phát luật; đại diện các trường đại học trên địa bàn và các đại biểu có tham luận.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Việc thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đã được lãnh đạo các địa phương trong vùng quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn tồn tại những hạn chế. Đồng chí cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”, thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường, và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân; tăng cường tạo đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Báo cáo tham luận tại hội thảo, PGS, TS. Trần Mai Ước nhấn mạnh, dân chủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… Ngoài ra, dân chủ không chỉ là sản phẩm thụ động của các nhân tố như vừa nêu trên, mà trái lại, nó còn là một tác nhân tích cực thúc đẩy các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… của cộng đồng. Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các địa phương, vùng Đông Nam Bộ đã đạt nhiều kết quả nổi bật với nhiều cái nhất trong phát triển kinh tế-xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ chính trị Việt Nam, là mục tiêu, là động lực của đất nước, thể hiện quan điểm lấy dân là gốc, gốc có vững, cây mới trưởng thành, phát triển. Dân chủ có thực sự, dân tộc mới phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, dân chủ cần được thực hành, phát huy, phát triển trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp, pháp luật quốc gia và tiền đề cần thiết và quan trọng để đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Cũng trong phần trình bày của mình, PGS, TS. Trần Mai Ước đã phân tích những thành tựu và tồn tại cơ bản việc thực hành quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội với sự phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ. Theo đó, những thành tựu và bước tiến căn bản quan trọng được thể hiện trên các khía cạnh như: dân chủ trong kinh tế; dân chủ trong văn hóa - xã hội. Những tồn tại cơ bản việc thực hành quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội có liên quan đến: nhận thức; về thực tiễn triển khai văn bản pháp luật; công tác giám sát, phản biện xã hội chưa được chú trọng, nâng cao; việc phát huy dân chủ ngoài xã hội còn nhiều hạn chế, một bộ phận nhân dân còn bức xúc, khiếu kiện phức tạp; công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân; việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật của một số cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp chưa tốt.
Hội thảo lần này đã gợi mở những vấn đề vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý luận, giúp có thêm các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để nhận thức và thực hành, phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay./.
Toàn cảnh Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy
Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II
PGS.TS. Trần Mai Ước – Trường Đại học Ngân hàng TPHCM
PGS.TS Lưu Ngọc Tố Tâm - Học viện Chính trị khu vực II
TS. Thân Ngọc Anh - Học viện Chính trị khu vực II
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị
Văn phòng HUB