Nhận lời mời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam, PGS.TS. Trần Mai Ước, Chánh Văn phòng trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo tham luận tại hội thảo.
Hội thảo lần này được tổ chức vào ngày 25/10/2019, tại Trường Đại học Nha Trang, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hội thảo với chủ đề “Bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trên Thế giới và ở Việt Nam” đã thu hút gần 300 đại biểu là lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong cả nước tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Giáo dục đại học nước ta đã xác định kiểm định chất lượng là yếu tố quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, năng lực hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam. Đây cũng chính là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0.
Chia sẻ tại hội thảo, cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh mong muốn hội thảo đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới nhằm góp phần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập với thị trường lao động của khu vực và thế giới trong thời kì 4.0.
Được mời báo cáo tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Trần Mai Ước đã trình trình bày bài tham luận với chủ đề: “Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, những điểm gợi mở trong Luật giáo dục đại học 2018”. Theo đó, ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Ngày 03/12/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 13/2018/L-CTN công bố và Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2019. Luật đã được soạn thảo theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL; gồm 03 điều, trong đó: sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật.
PGS.TS. Trần Mai Ước nhấn mạnh, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật GDĐH năm 2018 (Luật số 32/2018/QH14) lần này đã có những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan cụ thể đến công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, thể hiện qua: Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học (Điều 49). Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (Điều 50). Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (Điều 52). Sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học (Điều 53).
Căn cứ yêu cầu của Luật GDĐH có liên quan đến công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH, PGS.TS. Trần Mai Ước lưu ý 07 điểm có tính gợi mở cần chú trọng trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn Luật cũng như thực tiễn triển khai, kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện chính sách đối với công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH. Các điểm gợi mở cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, sản phẩm đầu ra của các cơ sở GDĐH là chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội mà trách nhiệm cuối cùng phải thể hiện được là tỷ lệ sinh viên có việc làm. Hiện tại, hầu hết các cơ sở GDĐH vì “nồi cơm” của mình nên chỉ chú trọng vào công tác tuyển sinh, số lượng tuyển sinh hàng năm.
Thứ hai, theo qui định, các cơ sở GDĐH đều phải thành lập bộ phận đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng bên trong, nhưng thực tế cơ chế hoạt động, tầm nhìn của đại học, cách tiếp cận thế đang còn rất khác biệt rất lớn giữa các cơ sở GDĐH.
Thứ ba, chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các cơ sở GDĐH còn hạn chế
Thứ tư, hoạt động tự đánh giá, kiểm định trường chủ yếu do một vài đơn vị chuyên trách thực hiện, chưa thực sự trở thành hoạt động thường kì tại các cơ sở GDĐH để các đối tượng liên quan dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin.
Thứ năm, các tổ chức kiểm định phải thực sự là những tổ chức độc lập tuyệt đối cả về chuyên môn lẫn cơ cấu tổ chức. Hệ thống kiểm định hiện nay gần như do Bộ GD&ĐT kiểm soát tuyệt đối. PGS.TS. Trần Mai Ước cho rằng tính độc lập tuyệt đối là yếu tố đầu tiên, mang tính chất cơ bản của quá trình kiểm định, bởi độc lập, khách quan, minh bạch luôn là nguyên tắc quan trọng nhất của tất cả các mô hình kiểm định.
Thứ sáu, cần khuyến khích các tổ chức tư nhân có úy tín trong và ngoài nước tham gia các tổ chức kiểm định để tạo xu thế cạnh tranh, minh bạch, độc lập trong quá trình kiểm định. Bên cạnh đó, cũng cần có các văn bản pháp quy qui định về sự thống nhất tổ chức, hoạt động đánh giá và các thước đo giữa các trung tâm kiểm định; danh mục các tổ chức kiểm định quốc tế được Việt Nam công nhận.
Thứ bảy, mặc dù trong Luật GDĐH và các văn bản pháp luật liên quan đã có các qui định cho phép các tổ chức tư nhân có quyền tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, nhưng tính tới thời điểm hiện tại (10/2019) vẫn chưa có bất kỳ tổ chức tư nhân nào được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục.
Hội thảo lần này nhận đuợc sự quan tâm của không chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong cả nước mà còn có sự tham dự của các chuyên gia đến từ tổ chức xếp hạng Times Higher Education (Anh quốc) về xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Sự tham gia thảo luận của tổ chức xếp hạng Times Higher Education (Anh quốc) đã cho thấy mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đến công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0./.
Văn phòng - BUH
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
PGS.TS. Trần Mai Ước báo cáo tham luận
PGS.TS. Trần Mai Ước với GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và cao đẳng Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trường Đại học Nha Trang.