Tự chủ tài chính tại trường Đại học công lập - Những bất cập, tồn tại cần tập trung tháo gỡ

09:19 - 27/11/2019

        Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Tự chủ đại học: Hiện trạng, Kết quả, Bất cập" tại  Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (HUFI) vào ngày 18/10/2019. Được mời viết bài tham cho hội thảo lần này, PGS.TS. Trần Mai Ước, giảng viên cao cấp, Chánh văn phòng trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh đã có những nhận định về những tồn tại, bất cập của công tác tự chủ tài chính tại các trường đại học (ĐH) công lập. 
        Bài viết đã khẳng định rằng, tự chủ đối với các trường đại học là tất yếu khách quan trong quá trình vận động và phát triển của tự bản thân các trường đại học. Điều này lại càng có ý nghĩa cấp thiết trong bối cảnh thời đại toàn cầu hóa, giáo dục đại học Việt Nam cần hội nhập sâu rộng vào môi trường quốc tế. Thích ứng với sự thay đổi, ngày 19-11-2018, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật GDĐH 2018) đã được Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung liên quan yêu cầu tự chủ đối với các trường đại học. 
        Trong tự chủ đại học, tự chủ tài chính có vị trí và vai trò quan trọng. Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho giáo dục ĐH còn hạn hẹp, tự chủ tài chính của các trường đại học công lập là một tất yếu để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục đại học. Với việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập đã mở ra, tạo cơ hội cho các cơ sở GDĐH công lập nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng ngân sách nhà nước được giao tiết kiệm, hiệu quả hơn.
        PGS.TS. Trần Mai Ước nhấn mạnh rằng, thời gian vừa qua, sau quá trình thực hiện quyền tự chủ tài chính theo quy định của Nhà nước, bên cạnh những mặt thuận lợi, tác động tích cực đến sự nghiệp đào tạo, vẫn còn bất cập như sau:
        - Do chưa có định hướng cụ thể của cấp trên cho việc chuyển tiếp từ giai đoạn thí điểm của Nghị quyết số 77/NQ-CP sang giai đoạn chính thức thực hiện. Điều này cũng gây những khó khăn nhất định, sự chủ động của các cơ sở GDĐH trong việc:
      + Có kế hoạch đầu tư mang tính chất dài hơi vào cơ sở vật chất và nhân sự
     + Xây dựng giải pháp mang tính căn cơ để phát triển nguồn thu chính của trường đại học tự chủ, khi mà 70% tổng thu vẫn đến từ học phí và lệ phí.
        - Nhận thức của một bộ phận giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn cho rằng: “Tự chủ đại học đồng nghĩa với việc Chính phủ cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách”. Nhưng kinh nghiệm thực tiễn và bối cảnh tự chủ tài chính GDĐH Việt Nam đã khẳng định rằng, tự chủ đại học không đồng nghĩa với việc Chính phủ cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách tài trợ. Nguồn ngân sách của Chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các trường đại học, tạo nền tảng vững chắc để trường đại học chuyển dần sang mô hình tự chủ tài chính. (Gói tài trợ từ Chính phủ )
        - Một số cơ sở GDĐH được tự chủ về mức chi nhưng tự chủ về thu chưa tương xứng, dẫn tới hiệu quả của việc thực hiện tự chủ không hơn là bao so với không tự chủ. Trong thời gian dài, do bị khống chế về trần học phí, mức trần học phí thường thấp, thu không đủ chi, cho nên một số cơ sở GDĐH đã xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu. 
        - Việc phân loại nhóm ngành, mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình đào tạo bậc đại học.
       - Cơ chế phân bổ ngân sách vẫn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với các tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra. 
      - Công tác tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, yêu cầu tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường đại học hoạt động theo đúng luật pháp trong thực tiễn triển khai và thực hiện cũng chưa thực sự được quyết liệt, nếu như không muốn nói là mờ nhạt.
       - Cơ sở GDĐH được tự chủ vẫn chưa có thói quen chú trọng vào việc coi trọng và tích cực tìm kiếm, thu hút nguồn lực tài chính từ các nguồn dự án, nguồn vốn viện trợ nước ngoài, tài trợ của các quỹ nghiên cứu, từ hoạt động tư vấn, liên kết với doanh nghiệp.
       - Vẫn còn nhiều bộ, ngành chưa ban hành các văn bản hướng dẫn, các tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị được giao tự chủ nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.
        Việc chỉ ra những bất cập, tồn tại cần tập trung tháo gỡ về tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập của PGS.TS. Trần Mai Ước là hình thức của phản biện chính sách cần thiết và khách quan để hướng đến đổi mới về cơ sở pháp lý, cơ chế quản lý bộ chủ quản, đổi mới về công tác quản lý, điều hành, quản trị, đào tạo tại các cơ sở GDĐH hiện nay./. 

                                                                                                        Văn phòng - BUH
 Link: 

https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/nhung-bat-cap-trong-viec-tu-chu-o-cac-truong-dai-hoc-cong-lap-hien-nay-post203537.gd


http://namhoang.com.vn/hoi-thao-tu-chu-dai-hoc-hien-trang-ket-qua-bat-cap


                                                                                           

 

File đính kèm

Tên file Download